Lượt xem: 834

Dấu ấn từ sự ra đời Chi bộ An Lạc Thôn

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 10/6/1935, Chi bộ An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng được thành lập. Sự kiện Chi bộ An Lạc Thôn ra đời là một dấu ấn đặc biệt. Từ đây, phong trào cách mạng ở An Lạc Thôn nói riêng, Sóc Trăng nói chung đã có những thắng lợi quan trọng.

    Sự ra đời của Chi bộ An Lạc Thôn

    Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dưới gót giày xâm lược của thực dân Pháp và chính sách khai thác thuộc địa vô cùng khốc liệt, bọn chúng đã đẩy Nhân dân ta vào vũng bùn nô lệ, tối tăm, không một chút tự do. Trước tình cảnh khó khăn đó, Nhân dân vô cùng căm hận với chế độ cai trị hà khắc của bọn thực dân cướp nước; mặt khác cũng rất bất bình với thái độ nhu nhược, yếu hèn của bọn quan lại và triều đình nhà Nguyễn, không dám tập hợp Nhân dân chống Pháp, không khoanh tay đứng nhìn cảnh nước mất, nhà tan, nhiều phong trào yêu nước nổi lên từ Bắc chí Nam, đã nung nóng lòng căm thù giặc của cả dân tộc, ra sức đoàn kết trên dưới một lòng, tập hợp nghĩa quân, kiên quyết chống xâm lược đến cùng. Nhưng chưa có đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp lòng dân và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; cho nên các phong trào đó đều chuốt lấy thất bại. Không sờn lòng trước những gian nguy, thử thách, nhiều chiến sĩ yêu nước đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân… Trong đó, có vai trò vô cùng to lớn, mang tính quyết định về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nhờ đó, mà một Đảng tiên phong ra đời để lãnh đạo phong trào cách mạng, đó chính là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là móc son chói lọi của cách mạng nước ta, là bước ngoặt quan trọng kết thúc sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cùng với bối cảnh lịch sử nói trên, ở Nam Kỳ cũng xuất hiện nhiều tổ chức yêu nước, đặc biệt là “Hội kín Nam Kỳ” đã thu hút nhiều thanh niên yêu nước tham gia. Ở quận Kế Sách lúc bấy giờ có một số thanh niên yêu nước, đã bí mật vận động một số người giúp đở tài chính cho các tổ chức cách mạng và vận động nhiều người cùng tham gia.


Ấp An Bình, nơi thành lập Chi bộ An Lạc Thôn. Nguồn soctrang.dcs.vn

 

    Do tác động của tư tưởng cách mạng và tiến bộ cùng với sự kiện ra đời của Đảng đã nhanh chóng ảnh hưởng đến nhận thức của các tầng lớp Nhân dân ở Nam Kỳ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Cùng với thời điểm này phong trào cách mạng ở quận Kế Sách cũng diễn ra rất sớm, một số cán bộ cách mạng về đây hoạt động, tìm cách vận động, thuyết phục những người cùng chí hướng và có cảm tình với cách mạng để tuyên truyền, giác ngộ nhằm xây dựng và phát triển lực lượng quần chúng cách mạng ở địa phương.

    Vào những tháng đầu năm 1935, anh Nguyễn Trung Tĩnh một thanh niên yêu nước và nhiệt tình cách mạng, đã sang làng Vĩnh Xuân, quận Cầu Tre, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Trà Vinh) để học nghề thuốc Bắc do ông Nguyễn Ngươn Hanh (xã Trinh - đảng viên năm 1930) truyền dạy. Tại đây anh Nguyễn Trung Tỉnh được đồng chí Nguyễn Ngươn Hanh tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và lý tưởng cách mạng.

    Với kiến thức mới mẽ được trang bị, anh Nguyễn Trung Tỉnh trở về quận Kế Sách để hoạt động và tích cực tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng uy tín và sự hiểu biết của mình, đồng chí Nguyễn Trung Tỉnh được giao nhiệm vụ tập hợp một số thanh niên yêu nước, có chí căm thù bọn thực dân, phong kiến để tuyên truyền, giác ngộ và nâng cao nhận thức về cách mạng cho họ. Đây là lực lượng nòng cốt được đồng chí Nguyễn Trung Tỉnh xây dựng, qua thực tiễn công tác, được thử thách và rèn luyện, đồng chí Nguyễn Ngươn Hanh đã chọn được một số thanh niên ưu tú, có lập trường cách mạng vững vàng để thành lập chi bộ Đảng. Đến ngày 10/6/1935 trong một căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Thơ (đầu lộ Cái Trâm) của thôn An Bình, làng An Lạc Thôn đã diễn ra một sự kiện quan trọng, Chi bộ Đảng đầu tiên của quận Kế Sách ra đời với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ngươn Hanh, cuộc họp được tiến hành từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa, quyết định phát triển đảng viên và thành lập Chi bộ gồm có 3 đồng chí: Nguyễn Trung Tỉnh, Lê Văn Lợi và Nguyễn Văn Thơ, đồng chí Nguyễn Trung Tỉnh được cử làm Bí thư Chi bộ; là một đảng viên tích cực, năng nổ hoạt động cách mạng của quận Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng trong thời kỳ đầu cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chi bộ An Lạc Thôn là hạt nhân phong trào cách mạng của quận Kế Sách, mở ra và lan tỏa con đường đấu tranh tự giác dưới sự lãnh đạo của Đảng, có vai trò rất quan trọng thúc đẩy sự ra đời của các chi bộ tiếp theo.

    Những bài học kinh nghiệm

    Lịch sử truyền thống đấu tranh của Nhân dân An Lạc Thôn là một bộ phận quan trọng không tách rời truyền thống đấu tranh anh dũng của Nhân dân huyện Kế Sách dưới nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Đảng. Từ khi có Chi bộ đảng lãnh đạo, phong trào đấu tranh của Nhân dân An Lạc Thôn nhanh chóng phát triển theo hướng từ các phong trào tự phát chuyển sang tự giác. Trải qua 86 năm từ khi ra đời cho đến nay (1935 - 2021) không ngừng phát triển, có thể nói Chi bộ An Lạc Thôn là hạt nhân chính trị đầu tiên của huyện Kế Sách và là một trong các chi bộ đảng ra đời sớm của tỉnh Sóc Trăng ở thời kỳ cách mạng 1930. Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Chi bộ đã bao phen phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trước những âm mưu vô cùng xảo nguyệt của kẻ thù.


Đồng chí Nguyễn Trung Tỉnh Bí thư Chi bộ An Lạc Thôn.

 

    Trải qua 86 năm lãnh đạo phong trào cách mạng của Chi bộ (Đảng bộ) An Lạc Thôn, có thể rút ra bốn bài học kinh nghiệm lớn, có tính xuyên suốt như sau:

    Một là, giữ vững thế trận lòng dân, đây là bài học vô cùng quý giá, là sự tiếp thu và phát triển của truyền thống dân tộc Việt Nam từ xưa cho đến hôm nay và mãi về sau.

    Hai là, nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào hoàn cảnh thực tế của địa phương để xây dựng và phát triển Chi bộ (Đảng bộ), tạo ra hạt nhân chính trị lãnh đạo phong trào cách mạng đến thành công.

    Ba là, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng là bài học xuyên suốt trong các giai đoạn cách mạng, được Chi bộ (Đảng bộ) vận dụng một cách có hiệu quả.

    Bốn là, kết hợp ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận được Chi bộ (Đảng bộ) An Lạc Thôn vận dụng một cách sáng tạo qua hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược rất hiệu quả, góp phần giành thắng lợi hoàn toàn năm 1975.

    Ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của Chi bộ (Đảng bộ) và Nhân dân An Lạc Thôn, chúng ta thấm thía lòng thủy chung đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên ra sức xây dựng làng quê An Lạc Thôn hôm nay tươi đẹp và giàu có, thịnh vượng. Xuân Tân Sửu 2021 đã về, xin chúc Đảng bộ và Nhân dân An Lạc Thôn luôn vững niềm tin với Đảng, nhân lên thành động lực, vươn lên tầm cao mới, vui xuân hạnh phúc, an lành./.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 42
  • Hôm nay: 6163
  • Trong tuần: 76,870
  • Tất cả: 11,800,190